Gỡ băng CEO Nguyễn Tử Quảng: Chúng tôi là nhà sản xuất gốc
11:00:00 | 27-07-2022

Sáng ngày 14/11 tại Hà Nội, CEO Nguyễn Tử Quảng, Tập đoàn công nghệ Bkav đã có bài phát biểu về chủ đề đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị smartphone tại Hội thảo Đổi mới sáng tạo Việt Nam do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức. Bkav.com.vn trân trọng giới thiệu đầy đủ nội dung bài phát biểu của CEO Nguyễn Tử Quảng tại sự kiện.

Chắc là các quý vị cũng đã biết là Bkav đến nay đã 9 năm tham gia vào lĩnh vực sản xuất smartphone. Vậy thì chắc có rất nhiều câu hỏi đặt ra cho chúng tôi là cơ hội nào cho Việt Nam trong chuỗi giá trị về smartphone.

Tôi xin bắt đầu từ phân tích về thị trường smartphone của Trung Quốc. Trên màn hình các quý vị cũng thấy đây là thị trường smartphone năm 2012. Lúc đó Samsung đang là nhà sản xuất có thị phần đứng số 1. Nhưng đến năm 2018 thì thay vị trí của Samsung là vị trí của các công ty nội địa của Trung Quốc. Và đến nay Samsung chỉ còn 9% thị phần smartphone của Trung Quốc.

Thực sự là khó có thể tin được điều đó, nhưng đó là sự thật. Và hiện nay các công ty Trung Quốc không chỉ là ở thị trường Trung Quốc mà trên thị trường thế giới họ cũng đang dần chiếm thị phần của Samsung và của Apple.

Thực tế là Huawei bây giờ họ đã có thị phần đứng thứ 2 thế giới. Còn ở thị trường Việt Nam, đây là số liệu của chúng tôi có. Thị trường Việt Nam hiện nay Samsung vẫn đang dẫn đầu thị phần với 41,6%. Sau đó đến Oppo của Trung Quốc, 23,4%. Apple là 8,9%. Và phần còn lại thật ra cũng phần lớn là của công ty Trung Quốc. Vậy thì có thể nói phần lớn thị phần smartphone Việt Nam hiện nay đang ở tay của Samsung và các công ty Trung Quốc.

Chúng tôi nhận thấy là, để vươn lên ở thị trường nội địa cũng như thị trường toàn cầu thì các công ty Trung Quốc, người ta đã sử dụng những chiến lược như thế nào. Thực ra đấy là văn hóa, đặc thù của các doanh nghiệp Trung Quốc, là họ làm ra những sản phẩm chất lượng vừa phải nhưng giá rẻ. Bằng cách đó họ có được thị phần, có được sự phát triển như chúng ta đã thấy.

Và ở Việt Nam chúng tôi nhận định rằng, nếu không có đối thủ nào khác, ví dụ như là Bkav hay các doanh nghiệp khác của Việt Nam thì chắc chắn là các công ty Trung Quốc không sớm thì muộn họ cũng sẽ chiếm thị phần của Samsung hay là Apple. Điều đấy đang xảy ra, chúng tôi biết.

Vậy thì, chúng ta có chiến lược nào để có thể chiếm lại thị phần smartphone ở thị trường Việt Nam?

Thực ra kế hoạch của chúng tôi có từ cách đây hơn 9 năm và đến nay vẫn là như vậy. Và tôi cũng nghĩ rằng cũng đã có nhiều sản phẩm trong các lĩnh vực khác ở Việt Nam đã thành công trong việc đó. Chúng tôi sẽ tạo ra những sản phẩm có chất lượng tương đương nhưng giá tốt hơn đối với những đối thủ là những công ty có những sản phẩm tốt, ví dụ như ở đây là Samsung hay là Apple. Sản phẩm của họ tốt thì chúng tôi phải có những sản phẩm chất lượng tương đương nhưng giá tốt hơn.

Đối với đối thủ Trung Quốc và tôi chắc rằng là Trung Quốc họ sẽ có thị phần rất là lớn ở Việt Nam thì rõ ràng người Việt Nam chúng ta đều hiểu là những sản phẩm Việt Nam chúng ta làm 1 cách nghiêm túc thì thường sẽ tốt hơn sản phẩm của Trung Quốc và người Việt Nam cũng sẽ ưa chuộng hơn nếu chúng ta khẳng định được điều đó. Thì chiến lược của chúng tôi là phải tạo ra sản phẩm vượt trội so với sản phẩm của Trung Quốc. Và giá thì dĩ nhiên, chất lượng vượt trội như thế thì giá phải cao hơn, nhưng cao hơn không quá nhiều. Đấy là chiến lược của chúng tôi.

Và để có thể thực hiện chiến lược như thế này thì chúng ta phải tạo ra sản phẩm xuất sắc và với giá tốt. Và để có thể làm được điều đó, chúng ta phải sở hữu những công nghệ lõi. Trong lĩnh vực công nghệ phải là nhà sản xuất gốc ODM. 9 năm trước chúng tôi đã định hướng là như vậy. Tức là chúng tôi sẽ phải sở hữu những cái cốt lõi trong lĩnh vực. Chúng tôi phải là nhà sản xuất gốc chứ không phải là nhập khẩu xong sau đó làm thương mại. Đấy cũng là một cách, nhưng với cách đó thì không thể cạnh tranh nổi với những nơi họ làm ra sản phẩm đấy, họ bán cho mình. Cụ thể ở đây ví dụ như là Trung Quốc.

Để làm rõ hơn một chút, ở đây tôi có biểu đồ mặt cười. Ở đây chắc nhiều quý vị đều đã biết, trong lĩnh vực về sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực về công nghệ thì cái biểu đồ mặt cười này nó thể hiện rõ nhất cho chúng ta. Đây là nói về giá trị gia tăng (GTGT) trong chuỗi để sản xuất, tạo ra một sản phẩm công nghệ, mà cụ thể hơn mà chúng tôi đang nói đến là 1 chiếc smartphone.

Đầu tiên là phải bắt đầu từ ý tưởng và RD về nghiên cứu. Sau đó là về thương hiệu, sau đó là về thiết kế, sau đó đến các linh kiện. Ở phía bên tay trái, GTGT lớn nhất là ý tưởng về nghiên cứu, sau đó giảm dần đến gia công, lắp ráp.

Tương tự như vậy, phía bên phải nó cũng rất là quyết định chứ không hề đơn giản. Chúng ta làm ra một sản phẩm tốt nhưng lại không biết marketing, không biết bán hàng tốt hoặc không có dịch vụ hậu mãi tốt thì chắc chắn không thể tồn tại trên thị trường, đặc biệt là sản phẩm công nghệ cao. Thế thì nửa bên phải cũng mang tính quyết định, đó là về hậu mãi, về hỗ trợ dịch vụ khách hàng, về bán hàng về marketing và về phân phối. Hình mặt cười càng ở phía trên, công nghệ ở phía trên thì GTGT càng cao. Chắc là ý đồ của tác giả cái này là cười càng to thì gia tăng càng lớn. (Cười)

Cụ thể hơn một chút thì chúng ta thấy nổi tiếng nhất trong lĩnh vực này hay nói đến thì đó là iPhone của Apple. Chúng ta thấy là tất cả các công đoạn từ nghiên cứu, ý tưởng, thương hiệu, thiết kế đều do Apple làm ở Mỹ. Dịch vụ khách hàng, marketing, phân phối cũng là điều hành của Apple ở Mỹ. Chỉ có lắp ráp là họ thực hiện là ở tận Trung Quốc, chúng ta đã biết.

Đây là điểm đặc thù để nói về chuỗi của nhà sản xuất gốc. Tương tự như vậy chúng ta cũng biết là Samsung, tất cả các công đoạn từ ý tưởng, thiết kế, nghiên cứu đến, dịch vụ khách hàng, phân phối marketing, đấy là tôi nói trên phương diện Samsung trên thị trường toàn cầu, còn sản xuất, gia công họ thực hiện ở Việt Nam. Đối với chúng ta rất là tốt, có công ăn việc làm cũng rất là tốt đúng không? Nhưng rõ ràng cái gia tăng nó ở cuối cùng.

Còn với Bkav với Bphone của chúng tôi, hơn 9 năm vừa qua chúng tôi cũng cố cho ngôi sao vàng của Việt Nam vào tất cả các công đoạn. Cụ thể, Bphone của chúng tôi có từ ý tưởng, các công đoạn từ nghiên cứu, định vị thương hiệu thiết kế sản phẩm là do Bkav thực hiện. Các anh chị cũng có thể để ý thấy luôn đến phân phối chúng tôi cũng thực hiện để làm chủ luôn sản phẩm và hệ thống của mình. Năm ngoái chúng tôi phân phối qua thế giới di động, năm nay chúng tôi phân phối luôn qua chuỗi của mình để chủ động. Phần marketing mình thực hiện, bán hàng cùng với chuỗi chúng tôi cũng thực hiện, dịch vụ hậu mãi tất nhiên chúng tôi cũng thực hiện.

Còn linh kiện chúng tôi cũng sử dụng những linh kiện hàng đầu thế giới. Ví dụ như chip của tôi sử dụng Qualcomm, và rất cảm ơn Qualcomm đã đồng hành cùng chúng tôi, 9 năm qua để chúng tôi có một nền tảng tốt với sự hợp tác với Qualcomm hay là Nhật Bản, Hàn Quốc. Phần lớn chúng tôi sử dụng những linh kiện như vậy. Gia công thì thực ra năm ngoái hay những năm trước chúng tôi tự làm, năm nay chúng tôi chuyển gia công cho 1 công ty nhật bản đặt tại Việt Nam, công ty Meiko đặt ở Thạch Thất, Hà Nội. Như vậy, với Bkav chúng tôi làm chủ cái chuỗi đầy đủ tất cả các công đoạn như thế này, phần gia tăng tốt.

Ở đây, nếu chúng ta chỉ làm OEM, tức là đặt thiết kế, chỉ làm phần màu xanh bên phải thôi là phần phân phối, bán hàng, còn lại rất nhiều phần khác của chuỗi giá trị sản phẩm đặc biệt là sản phẩm công nghệ là không thuộc phần này. Ở Việt Nam thì từ trước đến nay nhiều công ty làm theo mô hình này OEM. Trung Quốc là nơi cung cấp mô hình này. Để so sánh giữa OEM và nhà sản xuất gốc. Chúng tôi là nhà sản xất gốc nên chúng tôi buộc phải sở hữu tất cả công nghệ lõi như tôi đã trình bày vừa xong, và vì có sự làm chủ công nghệ lõi như vậy chúng tôi mới có thể sáng tạo.

Chủ đề của hôm nay là đổi mới sáng tạo. Thực sự thì tôi thấy mình cần phải đầu tư bài bản về nghiên cứu, về gốc của vấn đề thì chúng ta mới có thể làm chủ đổi mới sáng tạo, nếu không có những năng lực đó thì rất khó có thể đổi mới sáng tạo, chúng ta có thể làm được những sản phẩm xuất sắc với giá tốt.

Tôi xin cụ thể 1 chút vào Bphone 3, là smartphone chúng tôi vừa mới ra mắt ngày 10/10 vừa qua, chắc ở đây nhiều anh chị cũng chưa nhìn thấy: Đây là cái Bphone 3.

Với Bphone 3 những yếu tố cốt lõi để chúng tôi có thể cạnh tranh đối thủ là như thế nào, để tôi đề cập 1 chút. Thứ nhất đây là chiếc smartphone Android đầu tiên trên thế giới có thiết kế tràn đáy, các anh chị để ý là tất cả các smartphone hiện nay trừ iPhone X của Apple có thiết kế viền 2 bên đều nhau tạo ra thiết kế tối giản rất là tốt trong trải nghiệm. Thế hiện nay chỉ có là Apple iPhone X và Bphone 3 của chúng tôi là có thiết kế như vậy, và để làm được thiết kế như thế này thì đòi hỏi mình phải có công nghệ lõi. Ví dụ như ở đây phần màn hình gần như đã chạm vào ăng-ten của máy, thế thì phải thiết kế rất là tốt ăng-ten, phải làm chủ thì mới có thể thiết kế ăng-ten cũng như phần cơ khí mình phải làm chủ, sở hữu công nghệ lõi thì mình mới có thể thiết kế như thế này. Đấy là tại sao các anh chị xem các smarphone ngoài iPhone X đều có phần dưới, giới công nghệ gọi là cái cằm, thường dày một chút, và không dễ để vượt qua những rào cản như vậy. Nhưng chúng ta có thể làm vì chúng ta đã sở hữu công nghệ lõi và chúng ta kiên trì để xây dựng trong nhiều năm qua. Đấy là đặc điểm thứ nhất.

Đặc điểm thứ 2: không những là nó tràn đáy như vậy mà nó còn rất là mỏng, mang tính thẩm mỹ, ở đây anh chị thấy diễn đàn Tinh tế (tinhte.vn), là diễn đàn về công nghệ Việt Nam, họ cũng đã làm so sánh. Ở đây là ảnh chụp những chiếc smartphone dòng flagship của Samsung và Apple. Bên trái là cái Note 9, phía dưới là cái Oppo 5X (1 flagship của Oppo, cũng là hãng nổi lên trên thị trường thế giới), bên phải là iPhone XR. Các anh chị có thể thấy viền của Bphone không những đều mà còn mỏng nhất nữa và không dễ để vượt qua thách thức để có được một thiết kế như vậy.

Đặc biệt Bphone 3 là chiếc smartphone đầu tiên trong phân khúc giá của nó là 6.990.000 có trang bị chuẩn chống nước. Hiện nay tiêu chuẩn chống nước này chỉ có ở những cái flagship của những hãng như Samsung, Apple và thường giá giờ khoảng 1.000 đô ở phân khúc rất cao.

Bây giờ xấp xỉ 1.000 USD, tức là giá ở phân khúc rất là cao. Trong khi ở đây chúng tôi chỉ 6.990.000 đồng, nhưng mà đạt cái tiêu chuẩn chống nước này. Gần như có thể nói là cái đầu tiên trong phân khúc này trên thế giới trang bị cái tiêu chuẩn này. Và để làm 1 cái smartphone đạt tiêu chuẩn này thì không hề đơn giản về phần cơ khí, về phần chế tạo. Chúng tôi đã phải đầu tư rất là nhiều về nghiên cứu.

Một đặc điểm khác nữa là về phần bảo mật. Hiện nay giới công nghệ ở Việt Nam đã thừa nhận Bphone 3 là chiếc smartphone Android có thể nói là bảo mật tốt nhất bởi vì chúng tôi cũng là 1 công ty có xuất phát điểm từ an ninh mạng cho nên là những gì tinh túy nhất về an ninh mạng chúng tôi đều đưa vào Bphone 3. Ví dụ như mọi người bỏ quên điện thoại, kể cả người ta nhặt và reset factory (khôi phục cài đặt gốc) thì khả năng nhận lại điện thoại rất là cao, vì nó vẫn có thể khóa máy và hiện số điện thoại của chủ nhân ở đấy và khả năng người nhận điện thoại sẽ thấy là không thể dùng nổi và có ngay contact của chủ nhân ở đấy, thì khả năng họ sẽ liên hệ để trả lại máy là cao. Hoặc giả nó bị bán cho cửa hàng thì khả năng chuộc lại máy rất là cao. Và tất nhiên là chặn spam, chặn cuộc gọi khác… cũng là các tính năng mà các smartphone khác không có. Ngay trên Bphone 2 chúng tôi đã khẳng định khả năng này đối với thị trường, đối với người sử dụng thì đã cảm nhận rõ khả năng như vậy.

Như vậy thì, rõ ràng là với sự đầu tư bài bản, chúng ta có thể sở hữu những công nghệ lõi. Vì sở hữu công nghệ lõi như vậy, chúng ta có thể tạo ra những sáng tạo đột phá. Và tôi nói sáng tạo ở đây là tầm quốc tế, tầm thế giới chứ không chỉ là sáng tạo ở trong nước. Tất cả những điều tôi vừa nói, Bphone 3 có rất nhiều yếu tố và những yếu tố đó tôi nói ở tầm thế giới, có thể so sánh với bất kỳ sản phẩm nào khác tương tự. Nếu anh chị cầm Bphone 3 trên tay anh chị sẽ thấy nó thực sự rất là cao cấp, chúng tôi đã thực sự chăm chút để nó là một thiết bị cao cấp nhưng với mức giá tốt và giới công nghệ Việt Nam cũng thừa nhận là nó có thể cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm từ Apple hay là Samsung. Tất nhiên là những năm trước chúng tôi thường bị ném đá, bị gọi là "nổ", năm nay thì đỡ hơn, mọi người đã bắt đầu thừa nhận hơn.

Tôi có 1 ví dụ cụ thể, cùng phân khúc với Bphone 3 ở thị trường Việt Nam hiện nay có 2 điện thoại bán được với số lượng rất là nhiều của Samsung và Oppo đó là Samsung A6 và Oppo S9. Mỗi một tháng, mỗi một sản phẩm này phải bán được hơn 100 nghìn sản phẩm. Chúng ta có thể thấy A6 có cấu hình yếu hơn cấu hình của Bphone 3, vỏ nhôm, không có tính năng chống nước, giá là 8,3 triệu. Oppo S9 đến từ Trung Quốc, vỏ nhựa, khung nhựa, cấu hình tương đương Bphone 3, nhưng dùng chip MediaTek chứ không phải chip Snapdragon của Qualcomm có chất lượng rất là tốt. Giá của họ là 7,7 triệu. Nhưng Bphone 3, chiến lược của chúng tôi là sản phẩm tốt, giá tốt, vượt trội so với Trung Quốc về chất lượng. Đây là tôi nói giá đắt hơn Trung Quốc một chút, đấy là tôi nói với những hãng như là Xiaomi, là họ có chiến lược tận thu về giá. Còn Oppo thì giá của họ không phải là tốt lắm đâu. Và Bphone 3 có khung nhôm, mặt kính, chống nước, thiết kế đột phá, bảo mật cao và mức giá chỉ có 6.990.000. Rõ ràng xét về cấu phần như vậy thì sự cạnh tranh rất là tốt và sự đón nhận của thị trường cũng đang rất là tốt.

Đối với chúng tôi, chúng tôi vẫn thực sự mong muốn có thể góp phần xây dựng ngành sản xuất smartphone tại Việt Nam. Thế thì với phân tích như tôi vừa trình bày, tôi nghĩ rằng điều đấy thực sự là đáng đặt ra và đáng phấn đấu. Chúng tôi thực sự có 1 kế hoạch cụ thể là đến năm 2023 Bkav có thể giành 34,7% thị phần smartphone Việt Nam và tương đương với doanh thu là 2 tỷ USD. Từ đó, có thị trường nội địa thì chúng tôi sẽ phát triển ra thị trường thế giới. Giống như Samsung đã đi khắp mọi nơi trên thế giới và tạo ra hình ảnh của đất nước Hàn Quốc, tạo ra thu nhập cho đất nước Hàn Quốc, chúng tôi rất là mong muốn như vậy.

Và để làm ra những cái như thế này chúng tôi đang có 92 doanh nghiệp cung cấp phụ kiện trong chuỗi cung ứng của chúng tôi trên khắp thế giới và cả Việt Nam. Và tôi nghĩ rằng khi ở Việt Nam chúng ta còn rất nhiều khó khăn, chắc chắn rồi, chắc chắn là như vậy, nhưng nếu chúng ta vận dụng đổi mới sáng tạo 1 cách đúng đắn thì chúng ta có thể thực sự cạnh tranh với các tập đoàn hàng đầu thế giới. Vừa qua tôi cũng đã nói, đó là đầu tư một cách bài bản cho nghiên cứu. Và tôi nghĩ rằng Việt Nam chỉ cần đầu tư khoảng 5 doanh nghiệp công nghệ mũi nhọn, tức là mỗi 1 doanh nghiệp như vậy có thể dẫn dắt 1 lĩnh vực thì tôi nghĩ rằng Việt Nam thực sự có thể phát triển dựa vào khoa học công nghệ. Giống như Hàn Quốc có LG, Samsung, rõ ràng nó tạo ra 1 đất nước Hàn Quốc đã vươn lên mạnh mẽ như thế nào chúng ta cũng đã thấy.

Và trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, tôi tin rằng ở đây cũng có các bạn start-up và các bạn đang ấp ủ những điều như vậy. Và được thực hiện 1 cách bài bản có khát vọng thì với năng lực của người Việt Nam tôi tin tưởng rằng chúng ta chắc chắn có thể có chỗ đứng trong cuộc cách mạng này. Chúng tôi thực sự đã đầu tư nhiều năm, nhưng tôi nghĩ rằng bây giờ cơ hội đã tốt hơn nhiều rồi. Trước đây, ngay cả để làm ra phiên bản đầu tiên thôi, chúng tôi đã cần tới 6 năm rưỡi để làm ra phiên bản đầu tiên và chúng tôi cần hơn 3 năm để thuyết phục Qualcomm cung cấp con chip cho chúng tôi bằng năng lực của mình. Nhưng bây giờ rõ ràng là đơn giản hơn rất là nhiều rồi, mọi thứ kết nối, cả thế giới này kết nối, chắc chắn không cần đến 9 năm như kiểu Bkav mới có thể ra được những thứ như thế này. Tôi tin rằng với sự định hướng của nhà nước, chính phủ, các doanh nghiệp, các start-up có khát vọng, có khát khao thì chỉ trong vài năm đã có thể có kết quả như chúng tôi. Tôi chưa dám nói là nhiều, nhưng rõ ràng đó là cơ hội để chúng ta có thể kết quả tốt trong cuộc cách mạng này.

Hội thảo Đổi mới sáng tạo Việt Nam do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức, diễn ra sáng ngày 14/11 tại Hà Nội. Sự kiện có sự tham dự của ông Cao Đức Phát, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng đại diện lãnh đạo đến từ Bộ Thông tin và truyền thông, Hiệp hội Internet Việt Nam, Vietnam Silicon Valley, Ngân hàng Thế giới, Tập đoàn Qualcomm, Tập đoàn FPT, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn công nghệ CMC và Tập đoàn công nghệ Bkav.

Bkav